Thép cuộn xây dựng tăng giá, thêm kỳ vọng phục hồi
Thị trường thép xây dựng nội địa tiếp tục phục hồi thời điểm cuối năm 2023 khi giá thép cuộn tăng phổ biến thêm 200.000 đồng/tấn. Nhiều doanh nghiệp cũng ghi nhận sản lượng tiêu thụ tháng 11 ở mức cao nhất kể từ đầu năm và kỳ vọng đà phục hồi này sẽ tiếp tục duy trì trong tháng 12. Giá thép xây dựng đã tăng ở hầu hết các khu vực trên thế giới và phần lớn những người tham gia thị trường tin rằng giá thép xây dựng sẽ vẫn ở mức cao do chi phí sản xuất của các nhà sản xuất thép tăng, đặc biệt là do chi phí nguyên liệu thô cao.
07/12/2023 14:39
Thị trường tiếp tục tăng giá với thép cuộn xây dựng
Bước sang tháng 12, cùng với diễn biến tăng giá thép xây dựng ở hầu hết các khu vực trên thế giới, thị trường thép xây dựng Việt Nam cũng ghi nhận đợt tăng giá đầu tiên trong tháng khi các nhà sản xuất đồng loạt tăng 200.000 đồng/tấn đối với thép cuộn.
Sau đợt tăng giá này, tùy theo thương hiệu và khu vực thị trường, giá thép cuộn xây dựng dao động từ 13,75 - 14,5 triệu đồng/tấn, giá thép thanh CB300 dao động từ 13,75 - 14,3 triệu đồng/tấn, đây là giá thanh toán ngay tại nhà máy, chưa VAT, đã trừ chiết khấu tối đa theo sản lượng và vùng miền.
Như vậy, sau một thời gian giảm giá đồng loạt kéo dài từ đầu tháng 4 cho tới đầu tháng 9, diễn biến tăng giá đồng loạt trở lại mới bắt đầu từ tháng 11 cho tới nay với tổng mức tăng dao động từ 400.000 – 450.000 đồng/tấn đối với thép cuộn và 150.000 đồng/tấn đối với thép thanh vằn tùy theo thương hiệu.
Trong khi đó, giá thép xây dựng xuất khẩu trên thị trường thế giới đặc biệt tăng mạnh ở Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Theo S&P Global Commodity Insights, giá thép thanh vằn xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ ngày 6 tháng 12 ở mức từ 599 – 601 USD/tấn FOB, tăng khoảng 45 USD/tấn so với thời điểm đầu tháng 11 (tăng khoảng 1,09 triệu đồng/tấn); cùng thời điểm so sánh, giá thép thanh vằn xuất khẩu của Trung Quốc ở mức 555 USD/tấn FOB, tăng 28 USD/tấn (tăng khoảng 680.000 đồng/tấn); giá thép thanh vằn nhập khẩu vào khu vực Đông Nam Á ở mức 557 USD/tấn CFR, tăng 22 USD/tấn (tăng khoảng 535.000 đồng/tấn).
Giá thép xây dựng toàn cầu tăng do sự gia tăng nhanh chóng của chi phí nguyên liệu thô và chi phí sản xuất.
Giá quặng sắt sau khi giảm nhẹ trong tuần trước do những lo ngại về sự can thiệp của Chính phủ Trung Quốc vào hoạt động thương mại của mặt hàng này; sang tuần hiện tại, giá quặng sắt đang có diễn biến phục hồi. Ngày 6 tháng 12, giá quặng sắt 62% Fe ở mức 133,65 USD/tấn CFR Bắc Trung Quốc, tăng 3,2 USD/tấn so với một tuần trước đó (tăng khoảng 78.000 đồng/tấn), và tăng 8,3 USD/tấn so với thời điểm đầu tháng 11 (tăng khoảng 202.000 đồng/tấn).
Trong tuần cuối tháng 11, lần thứ 2, Ủy ban Cải cách và Phát triển của Trung Quốc (NDMC) cho biết sẽ thắt chặt giám sát thị trường quặng sắt và tồn kho nguyên liệu thô tại các cảng để ngăn chặn tình trạng tích trữ và đầu cơ, đồng thời kiềm chế sự tăng giá nhanh chóng. NDMC cũng thông báo cơ quan này đã tổ chức một cuộc họp với đại diện các cảng lớn của Trung Quốc để đánh giá lượng quặng tồn kho tại cảng và mức thuế đối với việc lưu trữ nguyên liệu thô này.
Trung Quốc mua hơn 2/3 lượng quặng sắt của thế giới và nhu cầu của nước này được cho là sẽ quyết định giá cả cũng như kế hoạch sản xuất của các công ty khai thác quặng hàng đầu thế giới. Trước đó Reuters đưa tin, các nhà phân tích dự báo giá quặng sắt có thể tăng lên 150 USD/tấn trong nửa đầu năm 2024, giá sẽ được hỗ trợ bởi nguồn cung tương đối hạn chế trong khi nhu cầu quặng tăng ở cả Trung Quốc lẫn bên ngoài như Ấn Độ, Châu Âu. Dự báo này đã tăng lên đáng kể so với trước đó khi thị trường thép thế giới đang kỳ vọng về nhu cầu thép gia tăng ở Trung Quốc sau các biện pháp kích thích kinh tế gần đây.
Giá thép phế giữ xu hướng tăng trong 5 tuần liên tiếp gần đây ở hầu hết các thị trường toàn cầu.
Theo S&P Global Commodity Insights, giá thép phế HMS xuất khẩu của Mỹ ngày 6 tháng 12 ở mức 382,5 USD/tấn FOB, tăng 45 USD/tấn (tăng khoảng 1,1 triệu đồng/tấn) so với thời điểm đầu tháng 11; cùng thời điểm so sánh, giá thép phế HMS 1&2 (75:25) xuất khẩu của Châu Âu ở mức 376,3 USD/tấn FOB, tăng 48,8 USD/tấn (tăng khoảng 1,2 triệu đồng/tấn); giá thép phế H2 xuất khẩu của Nhật ở mức 51.500 Yên/tấn, tăng 3.200 Yên/tấn (tăng khoảng 532.000 đồng/tấn). Hiện nay, giá chào thép phế A/B 50:50 nguồn Hồng Kong ở mức 383 USD/tấn CFR Việt Nam.
Nguồn: S&P Global Commodity Insights
Tại thị trường nội địa, trong những ngày đầu tháng 12 giá thép phế nội địa tại một số khu vực cũng tăng từ 200.000 – 400.000 đồng/tấn tùy theo khu vực. Các nhà máy tăng cường thu gom mua phế nội trong khi nguồn cung trong nước khá hạn chế, có tình trạng khan hàng ở một số khu vực.
Giá thép phế loại 1 khu vực phía Bắc hiện phổ biến từ 9,7 - 9,8 triệu đồng/tấn, phía Nam từ 8,7 - 9,3 triệu đồng/tấn, đây là giá chưa VAT, giao tại bên mua.
Giá phôi thép những ngày đầu tháng 12 hiện vẫn đang đi ngang. Giá chào phôi trung tần hiện nay dao động từ 12,3 - 12,4 triệu đồng/tấn, đây là giá xuất xưởng chưa VAT, giao tại kho bên bán.
Một số nhà phân tích nhận định giá phôi nội địa sẽ sớm có điều chỉnh tăng do thị trường phế nội hiện nay khan nguồn cung, giá tăng ở cả phế nhập khẩu lẫn phế thu gom nội địa, giá thép thành phẩm nhiều khả năng vẫn giữ đà tăng trong thời gian tới do giá thép thành phẩm ở Việt Nam đang tăng chậm hơn so với thế giới.
Nhìn chung, mặc dù các dấu hiệu về phục hồi nhu cầu tiêu thụ thép toàn cầu vẫn chưa rõ ràng nhưng hầu hết những người tham gia thị trường tin rằng giá thép xây dựng sẽ vẫn ở mức cao do chi phí sản xuất của các nhà sản xuất thép tăng, đặc biệt là do chi phí nguyên liệu thô cao và dự kiến thuế năng lượng sẽ tăng ở một số quốc gia trong thời gian tới.
Trần Hương