Giá thép cuộn xây dựng tiếp tục tăng toàn quốc
Thị trường thép xây dựng nội địa tiếp tục phục hồi giá thép cuộn, sức tiêu thụ cũng được đánh giá là tương đối cải thiện. Sau lần tăng giá lần thứ hai trong tháng 11, giá thép xây dựng nội địa Việt Nam mới chỉ tăng khiêm tốn 0,4% so với tháng trước, trong khi giá mặt hàng này trên thị trường thế giới đã tăng từ 1,5 - 4% tùy theo khu vực trong bối cảnh nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thép vẫn đang đà tăng giá. Tâm lý trên thị trường thép xây dựng nội địa đang dần trở nên tích cực hơn. Thị trường đang chờ thêm động thái từ các nhà sản xuất trong bối cảnh các kỳ vọng về phục hồi vẫn còn.
24/11/2023 13:58
Ngày 24 tháng 11, giá thép xây dựng toàn quốc đồng loạt tăng tiếp lần thứ hai trong tháng. Đợt điều chỉnh giá lần này các nhà sản xuất chỉ tăng giá thép cuộn và mức tăng không đồng đều giữa các vùng miền, cụ thể các nhà máy khu vực phía Bắc tăng 150.000 đồng/tấn, còn khu vực phía Nam tăng 100.000 đồng/tấn.
Sau hai lần điều chỉnh giá trong tháng 11, tổng mức tăng giá của thép cuộn xây dựng dao động từ 200.000 - 250.000 đồng/tấn tùy theo vùng miền; còn thép thanh vằn cơ bản vẫn đang giữ ổn định, chỉ có một vài nhà máy đơn lẻ tăng giá thép thanh trong tuần trước với mức tăng dao động từ 100.000 - 200.000 đồng/tấn. Nhiều khả năng thị trường sẽ tiếp tục điều chỉnh tăng giá, trong đó có tăng giá thép thanh vằn.
Hiện nay các bước tăng giá thép xây dựng tại Việt Nam được đánh giá là thận trọng, trong khi giá mặt hàng này trên thị trường thế giới đã có những bước tăng nhiều hơn.
Theo S&P Global Commodity Insights, giá thép thanh vằn tại thị trường nội địa Trung Quốc ngày 23 tháng 11 ở mức 3.990 Nhân dân tệ/tấn, tăng 134 Nhân dân tệ/tấn so với ngày 31 tháng 10 (tăng khoảng 460.000 đồng/tấn). Cùng kỳ so sánh trên, giá thép thanh vằn xuất khẩu của Trung Quốc tăng 23 USD/tấn (tăng khoảng 559.000 đồng/tấn), giá thép thanh vằn xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ tăng 30 USD/tấn (tăng khoảng 729.000 đồng/tấn), giá thép thanh vằn nhập khẩu vào khu vực Đông Nam Á tăng 17 USD/tấn (tăng khoảng 413.000 đồng/tấn).
Kỳ vọng về khả năng giá sẽ còn nhích lên trong thời gian tới càng được củng cố hơn khi giá nguyên liệu trên thị trường thép thế giới vẫn đang tiếp tục đi lên.
Giá thép phế liên tục tăng tại các thị trường lớn và đã giữ xu hướng này trong 4 tuần liên tiếp.
Theo S&P Global Commodity Insights, tại Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia nhập khẩu thép phế nhiều nhất thế giới, giá thép phế HMS ½ 80:20 nhập khẩu vào thị trường này ngày 23 tháng 11 ở mức 388,5 USD/tấn CFR, tăng 25 USD/tấn so với thời điểm cuối tháng 10 năm 2023 (tăng khoảng 607.000 đồng/tấn). Cùng thời điểm so sánh trên, giá thép phế xuất khẩu của Mỹ tăng 20,5 USD/tấn (tăng khoảng 500.000 đồng/tấn), giá thép phế xuất khẩu của Châu Âu tăng 24,5 USD/tấn (tăng khoảng 595.000 đồng/tấn), giá thép phế H2 xuất khẩu của Nhật tăng 1.700 Yên/tấn (tăng khoảng 280.000 đồng/tấn).
Xu hướng tăng giá thép phế được hỗ trợ bởi nguồn cung hạn chế và nhu cầu tăng do các nhà sản xuất thép bổ sung hàng tồn kho trước kỳ nghỉ đông. Do tỷ lệ thu gom phế dự kiến sẽ không cải thiện nên hầu hết những người tham gia thị trường cho rằng giá phế nhiều khả năng sẽ tăng hơn nữa. Còn ở Trung Quốc, giá thép phế nội địa tăng bởi nhu cầu gia tăng từ các nhà sản xuất thép; đồng thời giá than cốc tăng làm tăng chi phí gang khiến các nhà sản xuất thép tiêu thụ nhiều thép phế hơn.
Tại Việt Nam, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 15 ngày đầu tháng 11, Việt Nam nhập khẩu 197.717 tấn thép phế với đơn giá nhập bình quân là 387 USD/tấn, mức giá này cao hơn giá nhập khẩu bình quân tháng 10 là 24 USD/tấn (tăng khoảng 583.000 đồng/tấn).
Đối với quặng sắt, giá nguyên liệu thô này đã giữ xu hướng tăng trong sáu tuần liên tiếp và đã lập đỉnh vào tuần thứ tư của tháng 11.
Tại Trung Quốc - quốc gia nhập khẩu quặng sắt nhiều nhất thế giới, giá quặng sắt 62% Fe nhập khẩu vào thị trường này ngày 23 tháng 11 ở mức 134,8 USD/tấn CFR, giảm 1,2 USD/tấn sau khi giá đã đạt đỉnh cao nhất kể từ đầu năm 2023 vào ngày 22 tháng 11 (ở mức 136 USD/tấn CFR).
Giá quặng sắt tăng một phần do tồn kho nguyên liệu thô thấp trong bối cảnh nhu cầu dự trữ ngày càng tăng. Trước đó, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) đã báo cáo giá quặng sắt hiện cao một cách bất hợp lý. Do đó, vào ngày 15 tháng 11, Sở giao dịch hàng hóa Đại Liên đã đặt ra giới hạn về khối lượng giao dịch hàng ngày của hợp đồng tương lai quặng sắt không quá 500 lô đối với các hợp đồng giao hàng vào tháng 1 đến tháng 5 năm 2024.
Nhìn chung, tâm lý trên thị trường thép xây dựng Việt Nam đang dần trở nên tích cực hơn. Thị trường đang chờ thêm động thái từ các nhà sản xuất trong bối cảnh các kỳ vọng về phục hồi vẫn còn.
Trần Hương