Quặng sắt lập đỉnh giá mới, thép thanh vằn nội địa tăng giá

Giá bán thép thanh vằn nội địa tiếp tục tăng giá lần thứ 2 kể từ diễn biến phục hồi giá kéo dài từ tháng 11 cho tới nay. Giá thép xây dựng tăng trong bối cảnh giá nguyên liệu trên thị trường thế giới tăng ở hầu hết các thị trường chính, đặc biệt giá quặng sắt đã lập đỉnh giá mới của năm 2023 trong nửa đầu tháng 12. Diễn biến tăng giá tại thị trường Trung Quốc đã kéo giá tại thị trường Châu Á tăng theo.

11/12/2023 16:43

Bước vào trung tuần tháng 12 năm 2023, các nhà sản xuất thép xây dựng đã thông báo tăng giá bán thép thanh vằn D10 thêm 250.000 đồng/tấn, còn giá thép thanh vằn các loại từ D12 trở lên tăng 150.000 đồng/tấn. 

Sau đợt tăng giá này, tùy theo thương hiệu và khu vực thị trường, giá thép thanh CB300 dao động từ 13,9 - 14,45 triệu đồng/tấn, giá thép cuộn xây dựng dao động từ 13,75 - 14,5 triệu đồng/tấn, đây là giá thanh toán ngay tại nhà máy, chưa VAT, đã trừ chiết khấu tối đa theo sản lượng và vùng miền.

Như vậy, kể từ tháng 11 cho tới nay, giá thép thanh vằn đã được điều chỉnh tăng 2 lần với tổng mức tăng sau hai đợt dao động từ 300.000 - 400.000 đồng/tấn, còn giá thép cuộn sau 3 đợt điều chỉnh tăng, tổng mức tăng giá từ 400.000 - 450.000 đồng/tấn.

Ngay sau đợt tăng giá thép cuộn trong tuần trước, phần lớn người tham gia thị trường đã dự báo về khả năng thị trường nội địa sẽ sớm có đợt tăng giá tiếp theo do giá nguyên liệu vẫn đang đà đi lên. Đúng như nhận định, chỉ 3 ngày sau tăng giá thép cuộn, các nhà sản xuất đã buộc phải điều chỉnh giá bán thép thanh vằn trong bối cảnh giá nguyên liệu trên thị trường thế giới tiếp tục tăng ở hầu hết các thị trường chính, đặc biệt diễn biến tăng giá tại thị trường Trung Quốc đã kéo giá tại thị trường Châu Á tăng theo.

1

Quặng sắt tại Trung Quốc tiếp tục ghi nhận đỉnh giá mới của năm 2023 

Theo S&P Global Commodity Insights, chỉ số giá quặng sắt 62% Fe nhập khẩu vào Bắc Trung Quốc ngày 8 tháng 12 ở mức 137,4 USD/tấn CFR, đây là mức giá cao nhất kể từ đầu năm 2023. Sang đầu tuần mới ngày 11 tháng 12, giá quặng sắt giảm nhẹ xuống 136,85 USD/tấn, nếu so với thời điểm tháng 5 khi giá quặng sắt ở mức đáy của năm 2023, giá quặng sắt hiện nay đã tăng 40,6%. 

Kỳ vọng về sự phục hồi của thị trường bất động sản Trung Quốc và nhu cầu quặng sắt mạnh mẽ của các nhà sản xuất thép tại quốc gia này đã hỗ trợ cho đà tăng giá của quặng sắt. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, sản lượng quặng sắt nhập khẩu tháng 11 đạt 102,7 triệu tấn, tăng 3,4% so với tháng 10 năm 2023; lũy kế 11 tháng Trung Quốc nhập khẩu hơn 1,078 tỷ tấn quặng, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Trung Quốc chiếm khoảng 70% lượng quặng sắt nhập khẩu trên thế giới và nhu cầu của nước này được cho là sẽ quyết định giá cả cũng như kế hoạch sản xuất của các công ty khai thác quặng hàng đầu thế giới.

2 Nguồn: S&P Global Commodity Insights

Giá phế khu vực Châu Á tiếp tục tăng

Ngày 8 tháng 12, tại phiên đấu thầu phế liệu H2 xuất khẩu định kỳ Kanto Tetsugen ở Nhật Bản, giá trúng thầu của tháng 12 năm 2023 là 51.020 Yên/tấn FAS (~355 USD/tấn FAS), tăng 782 Yên/tấn so với giá trúng thầu trung bình trước đó là 50.238 Yên/tấn FAS. Sau phiên đấu thầu Kanto, ngày 9 tháng 12, Tập đoàn Tokyo Steel đã tăng giá thu mua nội địa thêm 500 Yên/tấn cho thép phế các loại.

Theo S&P Global Commodity Insights, ngày 11 tháng 12, giá thép phế HRS101 nhập khẩu vào Trung Quốc ở mức 401 USD/tấn CFR, tăng 6 USD/tấn (tăng khoảng 145.500 đồng/tấn) so với đầu tuần trước. Cùng thời gian so sánh, giá thép phế HMS ½ 80:20 nhập khẩu vào Đài Loan ở mức 385 USD/tấn CFR, tăng 7 USD/tấn (tăng khoảng 170.000 đồng/tấn); giá thép phế HMS ½ 80:20 nhập khẩu vào Đông Á ở mức 391 USD/tấn CFR, tăng 3 USD/tấn (tăng khoảng 73.000 đồng/tấn). 

3 Nguồn: S&P Global Commodity Insights

Tại Việt Nam, thép phế nhập khẩu vẫn duy trì giá cao. Giá chào thép phế HS nguồn Nhật Bản ngày 11 tháng 12 ghi nhận ở mức 400 USD/tấn CFR Việt Nam. Phần lớn người tham gia thị trường đều dự báo giá thép phế xuất khẩu của Nhật Bản sẽ tăng trong giai đoạn tới. Thép phế nguồn Nhật chiếm tới hơn 35% lượng phế nhập khẩu vào Việt Nam hiện nay, còn Việt Nam là thị trường xuất khẩu thép phế lớn thứ 2 của Nhật Bản.

Đối với thép phế nội địa, sau khi tăng giá từ 100.000 - 200.000 đồng/tấn ở một số khu vực thời điểm đầu tuần trước, giá sau đó tương đối ổn định. Giá thép phế loại 1 khu vực phía Bắc hiện phổ biến từ 9,7 - 9,8 triệu đồng/tấn, phía Nam từ 8,7 - 9,3 triệu đồng/tấn, đây là giá chưa VAT, giao tại bên mua.

Giá phôi thép tăng cùng xu hướng giá nguyên liệu thô tăng

Theo S&P Global Commodity Insights, ngày 11 tháng 12, giá phôi thép nhập khẩu vào Đông Nam Á ở mức 538 USD/tấn CFR, tăng 9 USD/tấn (tăng khoảng 219.000 đồng/tấn) so với một tuần trước đó. Giá chào phôi thép nội địa tại Việt Nam trong tuần trước cũng tăng dao động từ 100.000 - 200.000 đồng/tấn.

Tham khảo thị trường ngày 11 tháng 12, giá chào phôi trung tần phổ biến từ 12,4 - 12,5 triệu đồng/tấn, đây là giá xuất xưởng chưa VAT, giao tại kho bên bán; giá chào phôi thép xuất khẩu, giao hàng tháng 1 năm 2024 của Việt Nam ở mức 520 USD/tấn FOB cho loại phôi thép 3 SP 150x150 và 515 USD/tấn FOB cho loại phôi thép 3SP 130x130.

Picture1

Tiêu thụ nội địa tháng 11 của thép xây dựng ghi nhận mức cao nhất trong 15 tháng gần đây

Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam, tiêu thụ thép xây dựng tháng 11 của các thành viên tại thị trường nội địa đã ghi nhận mức sản lượng cao nhất kể từ tháng 9 năm 2022 cho tới nay. Với mức sản lượng tiêu thụ nội địa đạt trên 0,78 triệu tấn, tăng 35% so với tháng 10, trong đó tiêu thụ tại miền Bắc đạt gần 481.000 tấn, tăng 31% so với tháng trước; miền Nam đạt trên 227.000 tấn, tăng 38%; miền Trung đạt trên 74.000 tấn, tăng 53%. 

Tuy nhiên lũy kế 11 tháng năm 2023, tiêu thụ nội địa của các thành viên VSA chỉ đạt trên 6,6 triệu tấn, giảm 13,7% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó thị trường miền Nam tiêu thụ trên 1,96 triệu tấn, giảm mạnh 25,3%, miền Trung 0,68 triệu tấn, giảm 15,1%; miền Bắc gần 4 triệu tấn, giảm 6,3%.

Thị trường kỳ vọng kết quả tích cực của tháng 11 năm 2023 sẽ tiếp tục được duy trì trong tháng 12 này và tạo đà cho một năm mới 2024 với nhiều cải thiện hơn nữa về nhu cầu tiêu dùng thép khi các nút thắt của thị trường bất động sản từng bước được tháo gỡ.

Picture2 Nguồn: Hiệp hội Thép Việt Nam - VSA

Sang năm 2024, cũng như các thị trường khác trên thế giới, thị trường thép Việt Nam tiếp tục hướng theo dõi vào các biến động của thị trường thép Trung Quốc. Theo các chuyên gia kinh tế, năm 2024 Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách tài khóa tích cực và nới lỏng chính sách tiền tệ, tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng, ổn định phát triển bất động sản và thúc đẩy ngoại thương. Lãi suất cho vay dự kiến vẫn còn dư địa điều chỉnh. Do đó chi phí vay tài chính dự kiến sẽ giảm đáng kể, điều này sẽ giúp kích thích đầu tư và nhu cầu tiêu dùng thép tại Trung Quốc. 

Trần Hương