VNSTEEL tổ chức “Hội nghị công tác đầu tư và phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý dự án đầu tư xây dựng, đấu thầu và kiểm kê khí nhà kính” năm 2023
Trong 2 ngày 08-09/12/2023 tại TP. Vũng Tàu, Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP (Tổng công ty/ VNSTEEL) tổ chức “Hội nghị công tác đầu tư và phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý dự án đầu tư xây dựng, đấu thầu và kiểm kê khí nhà kính” năm 2023 với sự tham gia của trên 140 đại biểu.
11/12/2023 16:23
Đầu tư là hoạt động có vai trò quan trọng trong nền kinh tế nói chung và Tổng công ty nói riêng, góp phần hình thành nên tài sản, tăng năng lực, quy mô của doanh nghiệp, tăng sức cạnh tranh, phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty và các đơn vị thành viên. Đi đôi với công tác đầu tư xây dựng, công tác đấu thầu và lựa chọn nhà thầu cũng cần phải được quản lý chặt chẽ để đảm bảo tính thực thi các công việc trong hành lang pháp lý chung của Nhà nước, cũng như các quy định của Tổng công ty.
Bên cạnh đó, từ năm 2024 trở đi, doanh nghiệp bắt buộc phải xây dựng báo cáo kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở định kỳ 02 năm/lần theo quy định của Nghị định 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 của Chính phủ (về việc Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng Ozon), với đối tượng phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính là các doanh nghiệp có tên trong Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ngày 18/01/2022/ của Thủ tướng Chính phủ (ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính), trong đó có một số đơn vị trong hệ thống của Tổng công ty.
Với lý do đó, để các đơn vị trong hệ thống của Tổng ty luôn đảm bảo tuân thủ tính pháp lý, các quy định trong hoạt động đầu tư, đấu thầu và kiểm kê khí nhà kính nhằm giữ vững và thúc đẩy sự phát triển bền vững của Tổng công ty trong những năm tới, theo kế hoạch, Tổng công ty tổ chức “Hội nghị công tác Đầu tư và phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý dự án đầu tư xây dựng, đấu thầu và kiểm kê khí nhà kính” tại Hội trường Khách sạn Phương Nam - TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong các ngày 8 và 9 tháng 12 năm 2023.
Tham dự Hội nghị, về phía Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP có ông Lê Song Lai - Chủ tịch HĐQT, ông Nghiêm Xuân Đa - Tổng Giám đốc; về phía khách mời/diễn giả có Giáo sư Trần Thục - Chủ tịch Hội Khí tượng Thủy văn Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hồng - Phó Phân viện trưởng - Phân viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu,..; cùng dự Hội nghị còn có các lãnh đạo của Tổng Công ty và 140 đại biểu là lãnh đạo, cán bộ chuyên trách của các đơn vị trực thuộc, công ty con, công ty liên doanh, liên kết trong hệ thống của Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP
Phát biểu tại Hội nghị ông Nghiêm Xuân Đa đã chỉ rõ, xuất phát từ vai trò, tầm quan trọng của việc tuân thủ đúng các quy định pháp luật hiện hành; sự thay đổi của pháp luật về xây dựng, pháp luật về đấu thầu trong thời gian vừa qua; đồng thời liên tục cập nhật, nâng cao trình độ, kiến thức pháp luật về đầu tư xây dựng và đấu thầu. Với mục đích cụ thể của “Hội nghị” lần này là để các lãnh đạo các đơn vị/cán bộ có chuyên môn trực tiếp theo dõi, tham mưu thực hiện về các nội dung liên quan đầu tư, đấu thầu, môi trường tại các đơn vị. Từ đó đơn vị có thể triển khai tốt công tác quản lý dự án đầu tư, đấu thầu... Bên cạnh đó, tại Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu COP26, Chính phủ Việt Nam đã khẳng định Việt Nam là một nước có lợi thế về năng lượng tái tạo sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của chính mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước đang phát triển kể cả tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó, thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Pa-ri, để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050”. Tiếp theo đó, tại Hội nghị COP28, Việt Nam tiếp tục thể hiện cho cộng đồng quốc tế thấy những cố gắng của mình trong thời gian qua về thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời, tiếp tục huy động nguồn lực, tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế nhằm triển khai thực hiện cam kết giảm phát thải ròng bằng “0” trong thời gian tới... Theo đó, các đơn vị Tổng công ty cũng sẽ phải tuân thủ nghiêm các quy định của Nhà nước về kiểm kê khí nhà kính trong hoạt động sản xuất kinh doanh và góp phần vào sự phát triển chung của Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP.
Ông Nguyễn Phú Dương - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty trình bày tham luận về “Báo cáo công tác Đầu tư của Tổng công ty Thép Việt Nam giai đoạn 2019 - 2023”. Theo đó, với đặc thù các đơn vị thành viên của Tổng công ty hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần và Công ty TNHH theo luật Doanh nghiệp, nên Tổng công ty thực hiện quản lý công tác đầu tư, công tác đấu thầu thông qua Người đại diện của Tổng công ty tại các đơn vị thành viên mà Tổng công ty có vốn góp. Việc quản lý đầu tư dựa trên nguyên tắc áp dụng các quy định hiện hành của các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực đầu tư được Quốc hội, Chính phủ và các Bộ ban hành để thực hiện.
Báo cáo của ông Nguyễn Phú Dương - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty cũng đã nêu rõ được kết quả triển khai thực hiện các dự án đầu tư giai đoạn 2019 - 2023, đồng thời đã đưa ra các khó khăn trong quá trình thực hiện đầu tư, cùng với đó là các giải pháp về công tác đầu tư trong thời gian tới.
Tiếp theo phần tham luận, Hội nghị đã được nghe các ý kiến phát biểu của các đơn vị trong hệ thống như: Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam - VNSTEEL, Công ty TNHH MTV Thép Tấm Lá Phú Mỹ - VNSTEEL, Công ty Tôn Phương Nam, Công ty TNHH Cơ khí Việt Nhật, Công ty Cổ phần Thép Nhà Bè - VNSTEEL. Theo đó, các đơn vị đã nêu bật được công tác đầu tư của mình và đưa ra các khó khăn, kiến nghị với lãnh đạo Tổng công ty để tháo gỡ.
Kết thúc phần tham luận của các đơn vị, Hội nghị chuyển đến chuyên đề tiếp theo với chủ đề "kiểm kê khí nhà kính”. Tại chuyên đề này, Tổng công ty đã mời các diễn giả là Giáo sư Trần Thục - Chủ tịch Hội Khí tượng Thủy văn Việt Nam và Tiến sĩ Nguyễn Văn Hồng - Phó Phân viện trưởng - Phân viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu trình bày. Đây là chủ đề rất được các đơn vị sản xuất kinh doanh có tên trong Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ quan tâm, do từ năm 2024 trở đi, các đơn vị này phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.
Phần trình bày của Tiến sĩ Nguyễn Văn Hồng - Phó Phân viện trưởng Phân viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu đã kết thúc trong buổi sáng ngày 8/12. Sang buổi chiều ngày 8/12, Hội nghị đã được nghe ông Vũ Quyết Thắng - Trưởng phòng Cơ chế Viện Kinh tế xây dựng Bộ Xây dựng trình bày chuyên đề “Quản lý dự án đầu tư xây dựng”.
Bước sang ngày 9/12, Hội nghị tiếp tục đến với chuyên đề “Giới thiệu về Luật Đấu thầu 2023”. Chuyên đề này do diễn giả là bà Nguyễn Thị Thúy Hằng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày và đã kết thúc trong buổi sáng ngày 9/12.
Các Chuyên đề nói trên cũng rất được các đại biểu tham dự Hội nghị quan tâm, nhất là đối với các đơn vị đang triển khai dự án đầu tư. Do trong những năm vừa qua, Luật pháp và cơ chế, chính sách về quản lý dự án đầu tư, đấu thầu ngày càng được hoàn thiện nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác đầu tư, quản lý đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, góp phần công khai, minh bạch, tiết kiệm, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong mua sắm, đầu tư.
Sau gần 2 ngày làm việc, Chương trình “Hội nghị công tác Đầu tư và phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý dự án đầu tư xây dựng, đấu thầu và kiểm kê khí nhà kính” cho các đơn vị trong hệ thống của Tổng công ty đã diễn ra hết sức trang trọng, nghiêm túc, trong đó các đại biểu dự Hội nghị đã đưa ra các ý kiến đóng góp, các đề xuất, kiến nghị hết sức thẳng thắn, điều này cũng xuất phát từ mong muốn góp phần vào sự phát triển chung của Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP.
Ban KTĐT